3 tuyến đường chuẩn bị nối vào cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây
CHIA SẺ
TP.HCM đề xuất nối đường Long Phước vào cao tốc
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về việc xây dựng kết nối giao thông phường Long Phước (quận 9) với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, để đồng bộ, phát triển hạ tầng giao thông khu Đông thành phố.
Theo Sở GTVT, việc kết nối đường Long Phước với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ rút ngắn khoảng cách từ phường Long Phước đến trung tâm thành phố, việc di chuyển được dễ dàng, thuận lợi; đồng thời tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, thuận lợi thông qua các nút giao: đường Long Phước với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; đường Vành đai 3 với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; đường nối Vành đai 3 với đường Long Phước.
Sở GTVT đề xuất hai phương án: Thứ nhất, kết nối dạng nút giao hoa thị liên thông hoàn chỉnh. Các tuyến nhánh sẽ có hai làn xe, rộng 9,5-10 m, diện tích chiếm dụng khoảng 18,5 ha.
Thứ hai, kết nối từ đường Long Phước với đường cao tốc theo nguyên tắc xây dựng các đoạn tuyến kết nối nằm trong chỉ giới 140 m của đường cao tốc theo quy hoạch; bố trí các hướng kết nối một chiều từ đường Long Phước vào cao tốc về hướng trung tâm và hướng ngược lại. Bố trí tổ chức giao thông dạng vòng xoay dưới dạ cầu Long Thành, kết hợp các nhánh rẽ để kết nối đường Long Phước với các đường song hành cao tốc.
Phương án hai được đánh giá có tính khả thi cao, chi phí thấp nhất, thời gian triển khai nhanh và không phát sinh thêm mặt bằng so với quy hoạch phân khu đang được UBND quận 9 quản lý.
“Việc kết nối giao thông tuyến cao tốc này với phường Long Phước là rất cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế, xã hội khu vực quận 9 thuộc thành phố sáng tạo phía Đông của TP.HCM. Đồng thời, phát huy hiệu quả dự án Mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây”, văn bản nêu rõ.
Đồng Nai đấu nối đường 319 vào cao tốc trước ngày 31/12/2020
Liên quan đến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, ngày 10/11, Công ty CP Đầu tư phát triển Cường Thuận – chủ đầu tư dự án đường 319 nối dài và nút giao cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cho biết, nhiều gói thầu của dự án đã cơ bản hoàn thành phục vụ cho việc đấu nối với tuyến cao tốc.
Dự án đầu tư xây dựng đường 319 nối dài và nút giao với đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây có tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng, gồm 8 gói thầu thi công đường, cầu, cầu vượt và trạm thu phí. Đến nay, các gói thầu chính như đường 319 nối dài, cầu Đồng Môn đã hoàn thành 100% khối lượng, sẵn sàng bàn giao đưa vào sử dụng; gói thầu số 04 (nhánh T1, T2, P1) đã hoàn thành hơn 72% khối lượng.
Đơn vị thi công đang tập trung thiết bị, nhân lực thi công trải thảm lớp bê tông nhựa các nhánh T1 (hướng Nhơn Trạch – TP.HCM), nhánh T2 (hướng Dầu Giây – Nhơn Trạch) và nhánh P1 (nhánh tách nhập làn song song với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây). Gói thầu số 05 cầu vượt cao tốc đạt 79% khối lượng.
Theo dự kiến, tuyến đường này sẽ nối vào tuyến cao tốc (đoạn TP.HCM – Long Thành) trước ngày 31/12 năm nay và đưa vào sử dụng vào dịp Tết Nguyên đán 2021.
Bình Thuận xây cao tốc từ Phan Thiết đến điểm cuối là Dầu Giây
Một dự án khác cũng kết nối với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết – Dầu Giây, được Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức triển khai thi công 2 gói thầu (1-XL và 4-XL) vào sáng 16/11 tại tỉnh Bình Thuận.
Dự án có điểm đầu kết nối với dự án thành phần Vĩnh Hảo – Phan Thiết tại Km 235, điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Dây tại Km 43+125. Tổng chiều dài tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là 99 km, chạy ngang qua một phần địa phận hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai.
Trước đó, ngày 30/9, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã phát lệnh khởi công đoạn cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020.
Tuyến cao tốc có tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ này được thiết kế với vận tốc 120 km/giờ, có 6 làn xe khi thi công hoàn chỉnh. Dự án sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực Nam Trung bộ. Đây cũng là dự án được kỳ vọng giảm tải lớn cho QL1 đoạn qua địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận – nơi thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do hạ tầng giao thông xuống cấp. Bt: Thuận Huy
إرسال تعليق